CÔNG THỨC ENGAGE – “THUẬT TOÁN” CỦA THÀNH CÔNG BỀN VỮNG

Thành công không bao giờ là kết quả của sự may mắn thuần tuý và cũng không có khuôn mẫu chung nào cho mọi thành công. Song Francisco Marconi, giám đốc chiến lược của hãng tin Associated Press (Mỹ), đã hoá giải bí quyết thành công bền vững qua một công thức với tên gọi ENGAGE.

Theo Marconi, công thức này có thể nhân rộng và áp dụng đối với mọi cá nhân. Bí quyết này là sự tổng hoà các yếu tố: tiềm năng, mục đích và những người xung quanh bạn. Theo thuật giải này, bạn cần đầu tư nhiều thời gian hơn cho những việc thực sự quan tâm để đạt được kỳ vọng trong cuộc sống và sự nghiệp.

ENGAGE là một quá trình gồm 6 bước để khám phá đâu là động cơ thúc đẩy bạn đi đến thành công trong sự nghiệp. Nhiều người bế tắc trong sự nghiệp vì họ coi tư duy chiến lược như việc biết đâu là mục đích của mình hay những giá trị nào thúc đẩy mình chỉ là “một kỹ năng mềm”. Họ không đề ra sự ưu tiên.

Thực tế, tư duy chiến lược chính là chìa khoá giúp các doanh nhân khởi nghiệp thành công, các giám đốc điều hành thăng tiến và các chính trị gia được bầu chọn. Chắc chắn bạn có thể tiến xa trong sự nghiệp mà không theo khuôn mẫu này. Song nếu bạn muốn đạt những điều tốt nhất, ENGAGE hứa hẹn là “mật mã” thành công mà bạn có thể tham khảo thực hiện:

  1. E: Explore your meaning (Tìm ra ý nghĩa cuộc sống của bạn)

“Dù bạn nghĩ bản thân có hay không thể – bạn đều đúng” – Henry Ford.

Hãy nghĩ xem điều gì quan trọng đối với bạn. Đâu là ý nghĩa cuộc đời bạn? Đôi khi chúng ta không nhận ra những giá trị của mình, đó là những gì xác định và thúc đẩy chúng ta, niềm tin của chúng ta vào tương lai.

Nếu bạn không đồng hành với những giá trị, thì những niềm tin về sự hạn hữu dễ dàng xâm chiếm bạn: Tôi không đủ thông minh. Tôi không có đủ nguồn lực. Tôi không ở trong môi trường sáng tạo. Song thực tế bạn là yếu tố X trong công thức này. Nếu bạn thay đổi tư duy, bạn sẽ thay đổi chính bản thân.

Đâu là bước đầu tiên để khám phá ý nghĩa cuộc sống của bạn? Hãy nhận diện ba yếu tố cốt lõi hàng đầu, sau đó xác định những bước bạn có thể thực hiện mỗi tuần để hiện thực hoá giá trị đó. Bạn đề cao tính sáng tạo? Hãy dành thời gian cho công việc này. Bạn thích mạo hiểm? Hãy đến thăm mỗi tuần một nơi mới.

2. N: Narrow your goals (Thu hẹp các mục tiêu)

Vào năm 1961, khi cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy công bố Mỹ sẽ đưa con người lên mặt trăng vào cuối thế kỷ 20, nhiều người khi đó đã nghĩ đó là việc làm không tưởng. Song nếu không có mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Kennedy, thì khó có thể biết, liệu Neil Armstrong có thể đặt chân lên mặt trăng 8 năm sau đó hay không.

Khi bạn biết điều mình coi trọng, đây là lúc để đề ra các mục tiêu. Hãy đặt ra các mục tiêu rõ ràng. Hãy viết chúng ra. Song điều thậm chí quan trọng hơn việc nhận diện các mục tiêu và viết chúng ra là biết những gì bạn sẽ không làm. Hãy học cách nói không. Một yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu của bạn là lựa chọn thời gian sao để phần lớn năng lượng của bạn dành cho việc đáng để tâm.

  1. G: Generate a plan (Lên kế hoạch)

“Một mục tiêu mà không có kế hoạch thì chỉ giống như là một ước nguyện” – Antoine de Saint Exupery

Theo giáo sư Lauren Rivera thuộc Trường Quản lý Kellogg, các nhà quản lý có xu hướng tuyển những ứng cử viên mà họ tin có thể trở thành bạn. Quá trình tuyển nhân viên không chỉ là tìm người có kỹ năng phù hợp với công việc, mà còn là tìm nhân sự phù hợp với văn hoá của công ty. Nói cách khác, người ta tin những người mà họ nghĩ có nét tương đồng với mình.

Nếu gặp người có thể giúp bạn biến các mục tiêu thành hiện thực, hãy tự tiến hành nghiên cứu. Họ có những đặc điểm, hành vi và mối quan tâm nào chung với bạn? Những thói quen gì bạn có thể học hỏi và làm theo họ? Những người thành công biết cách hòa nhập vào môi trường mà họ mong được tham gia.

Bước đầu tiên để lập lên một kế hoạch? Hãy dành thời gian để tập trung những nỗ lực cho những người và những gì mình quan tâm.

  1. A: Anticipate roadblocks (Lường trước những khó khăn)

“Bất cứ ai cũng có một kế hoạch trước khi khó khăn ập đến” – Mike Tyson

Bạn đã xác định được địa điểm mình muốn đến và làm thế nào để đến đó. Bạn đã sẵn sàng xuất phát. Song dù bạn có lên kế hoạch kỹ lưỡng như thế nào thì bạn vẫn có thể gặp những trở ngại trên con đường mình đi.

Khi 20 tuổi, Benjamin Franklin đã xây dựng một kế hoạch cá nhân nhằm đạt được “sự hoàn hảo về phẩm hạnh”. Công việc này bao gồm thiền, ăn và uống kiêng khem,…

Trong hồi ký, Franklin giải thích, lộ trình này đã góp phần tạo nên thành công của ông trong vai trò một chính trị gia, nhà ngoại giao và chính khách. Tuy nhiên, ông cũng nhận ra, mình cần một kế hoạch có sự mềm dẻo, linh hoạt cần thiết để giúp bản thân có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào ngoài dự kiến.

Những trở ngại này có thể do yếu tố con người, hoàn cảnh hay những niềm tin giới hạn của chính mình. Chúng còn có thể là những nhiệm vụ bạn phải hoàn thành để đạt được một mục tiêu. Tuy nhiên, để học cách tiên liệu và vượt qua những khó khăn này, đầu tiên bạn cần phải tháo gỡ yếu tố con người hay nhiệm vụ khó khăn nhất.

Đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hay trở ngại khác có thể không giống như gì bạn nghĩ. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu bằng tư duy tích cực. Theo Mayo Clinic, tư duy tích cực giúp bạn giải quyết những tình huống đầy căng thẳng, giảm thiểu những tác hại của stress đối với sức khỏe.

Làm thế nào để bắt đầu tiên lượng những trở ngại? Hãy chia các mục tiêu của bạn thành các bước. Ví dụ, khi bạn muốn thăng tiến, bạn cần hai mục tiêu: hoàn thành một dự án quan trọng và tìm được các khách hàng mới. Sau đó, hãy xét đến những biến cố có thể phát sinh: lỡ thời hạn, chỉ tìm được một khách hàng mới…

  1. G: Gain persistence (Bền bỉ)

“Nếu bạn muốn đạt được điều gì đó mà bạn chưa từng có thì bạn cần phải sẵn sàng làm những gì bạn chưa từng làm” – Thomas Jefferson

Album âm nhạc đầu tiên của Virgin Records xuất bản sang Mỹ chỉ đạt được thành công vì một cơ may. Giám đốc điều hành hãng Atlantic Records tình cờ nghe album này đúng vào lúc ông đang ngồi cùng với giám đốc phim William Friedkin, người đang tìm kiếm một bản ghi âm cho dự án mới nhất của mình The Exorcist. Đó là sự may mắn? Đúng, song nhà sáng lập của Virgin, Richard Branson, cũng đã phải dành nhiều thời gian để thuyết phục hãng Atlantic nên phát hành đĩa hát này.

Theo Branson, những người luôn muốn chọn giải pháp an toàn hiếm khi thành công. Mặt khác, những người cho mình là may mắn cũng thường là những người sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn nhất.

Theo đuổi ước mơ là một công việc gian nan. Làm thế nào để tránh bị kiệt quệ? Các nhà tâm lý nghiên cứu về sự mềm dẻo nhận thức cho rằng câu trả lời nằm ở sự cởi mở đón nhận những biến cố bất ngờ, thậm chí chỉ là việc thử ăn ở một nhà hàng mới, gặp gỡ những con người mới hay khám phá một sở thích mới.

Nói cách khác, hãy nhìn ra vượt ra ngoài những thói quen hàng ngày của bạn. Hãy chấp nhận rủi ro, vượt lên hoàn cảnh, đem lại cho mình những yếu tố đầu vào mới. Như nhà tâm lý Ben Fletcher lý giải: “Cuộc sống của con người hoàn toàn có thể thay đổi bằng cách đi theo một con đường thay đổi đôi chút”.

  1. E: Elevate yourself (Đánh giá bản thân)

“Hãy dùng trí óc để đối xử với chính mình và hãy dùng trái tim để đối xử với người khác” – Eleanor Roosevelt

Nhà tâm lý Abraham Maslow cho rằng, hai trong những nhu cầu thiết yếu cơ bản nhất của con người là nhu cầu thuộc quyền sở hữu và nhu cầu được cảm kích. Nếu bạn áp dụng thuật ENGAGE, bạn sẽ sớm tìm ra chính mình ở vị trí lãnh đạo với cơ hội đáp ứng những nhu cầu này ở những người khác.

Đây là công việc không dễ dàng, song để trở thành lãnh đạo, người truyền cảm hứng cho mọi người không đòi hỏi những cử chỉ to tát, ngoài việc dành sự chú ý, nói lời cảm ơn, ghi nhận công việc người khác đã làm. Một lời khen ngợi chân tình có thể truyền cảm hứng cho những người khác.

Không phải ngẫu nhiên Bill Clinton thừa nhận, trưởng băng nhạc trường trung học cũ của ông không chỉ giúp ông trở thành một nhạc công saxophone mà còn là một nhà lãnh đạo. Hay Ronald Reagan đã chọn viết một lá thư ngỏ lay động nhân dân Mỹ vào năm 1994 sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh Alzheimer. Tổng thống Obama sau khi đọc cuốn sách “Life of Pi” (Cuộc đời của Pi) của nhà văn Yann Martel đã gửi thư cảm ơn đến nhà văn này để khen ngợi cách dẫn chuyện và thông điệp có sức lan truyền mạnh mẽ mà Martel đem đến cho bạn đọc.

Bạn có thể bắt đầu đánh giá bản thân như thế nào? Hãy bắt đầu tỏ lòng biết ơn người đã giúp bạn hay người đã có ảnh hưởng tích cực đến định hình cuộc sống của mình. Việc tỏ lòng kính trọng sẽ truyền cảm hứng cho người khác và xây dựng nên tầm ảnh hưởng.

Hy vọng, ENGAGE. sẽ giúp bạn phác hoạ những trải nghiệm thúc đẩy “tư duy thành công”. Tuy nhiên, công thức này không phát huy trừ phi bạn thực hiện. Tiềm năng của bạn đang chờ để được khai phá!

Nguồn: Trí thức trẻ

YÊU CẦU CỦA BẠN